TÁC ĐỘNG CỦA NHẠC
Tác Động của Nhạc
Truyền thuyết ghi rằng Orpheus (một tiền thân của Phật Thích Ca) xuất hiện ở Hy Lạp khoảng 480 năm trước tây lịch, dùng âm nhạc để tinh lọc và làm mở rộng thể tình cảm và thể trí của những ai tụ họp quanh mình, nhờ sự hiểu biết lớn lao của ngài về ảnh hưởng của làn rung động của âm thanh. MTTL dạy rằng con người có nhiều thể, một thể xác cho thế giới hành động ở cõi trần, một thể tình cảm cho cõi trung giới, và một thể trí cho sự suy nghĩ của mình. Ta còn những thể khác cho những cõi cao hơn nhưng vào lúc này chúng chỉ linh hoạt nơi bậc siêu nhân, còn thì chưa hoàn bị cho đại đa số người.
Orpheus dùng nhạc để khơi dậy các luân xa hay huyệt đạo của thể sinh lực. Các luồng lực khác nhau từ những cõi cao tuôn tràn qua những luân xa này xuống con người và giúp họ khai mở. Orpheus dùng các giai điệu khác nhau để kích thích những huyệt khác nhau. Ai quan tâm đến nghi lễ ở giáo đường sẽ để ý là tín đồ làm dấu thánh giá ở giữa trán (huyệt đầu), môi (huyệt cổ họng), và tim (huyệt tim), nghi thức này chỉ về cùng một điều, và các dấu được làm ở những luân xa trong thể sinh lực.
Có một hiểu biết sâu xa nằm sau các nghi lễ lớn. Về một mức nào đó, mọi âm nhạc tốt lành cho ảnh hưởng lên con người theo cách ấy, và một lý do vì sao có người được nhạc khơi động mạnh mẽ, là bởi nhạc mở ra những đường kinh thông với nơi chứa lực của những cõi thiêng liêng, và chúng ta cảm thấy một sự mở rộng to lớn trọn con người. Cây đàn lyre của thần Orpheus là một biểu tượng đầy ý nghĩa. Đàn có năm giây, mỗi giây tương ứng với một trong năm luân xa chính và một trong ngũ quan.
Chuyện xưa cũng ghi âm nhạc mà Orpheus chơi tác động lên các thể thanh, khiến chúng tách ra khỏi thân xác, và làm con người đi vào cõi cao. Về mặt này, có người khi dự buổi hòa nhạc được âm nhạc làm cho bay bổng vào cõi cao, thấy mình xuất thần đi vào không gian, tắm mình trong những lượn sóng ether từ dàn nhạc tuôn ra, và khi trở về thân xác ở cõi trần có mang theo vài hiểu biết mới về sự huyền bí của Thượng Đế.
Có một ứng dụng của âm thanh chưa hề được truyền ra cho công chúng. Thí dụ người cổ Do Thái được cho là biết những câu chú mantra chỉ truyền trong dòng họ của bộ tộc Levi, một trong 12 bộ tộc chính của người Do Thái; người trong các dòng họ này được đặc biệt huấn luyện việc xướng câu chú, cách nhấn âm riêng biệt phải có. Những chú ngữ này được cho là truyền từ các nhà Tiên Tri ban đầu của giống dân ấy, qua các thế hệ tới ngày nay. Họ cũng biết các chú ngữ khác từ thời mà không ai còn nhớ.
Loại chú ngữ sau chỉ được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, đặc biệt có tầm quan trọng lớn lao. Âm thanh mà được dùng theo cách huyền bí là một lực dũng mãnh, vì có thể triệu thỉnh các loài khác, và khêu gợi các lực vô hình làm chúng tác động. Với sự hiểu biết người ta có thể dùng âm thanh để chữa lành cũng như để phá hoại, tựa như nhiều lực khác khi được dùng mà có hiểu biết.
Âm nhạc, giống như các nghệ thuật khác, có thể được xem là một nghi lễ, vì nó là sự sắp đặt âm thanh một cách khoa học và có trật tự theo các luật chặt chẽ. Ai nói rằng họ không màng tới nghi lễ thì thực ra làm theo nghi thức mỗi ngày trong đời. Mỗi sáng khi thức dậy trong thế giới là ta dự vào nghi lễ của trời đất, khi các hành tinh di chuyển theo luật trong vũ trụ, theo chuyển động nhịp nhàng, tức nghi lễ, tạo nên âm nhạc của các bầu. Mỗi lần ta đọc một bài thơ hay, tức âm nhạc của ngôn ngữ, là ta kinh nghiệm một nghi lễ, vì những bài thơ như vậy là một nghi thức của chữ và lời, và con người bị các lực của nghệ thuật có tính nghi lễ này ảnh hưởng theo vô số cách.
Nói về sự gợi hứng cho nhạc sĩ, nhà soạn nhạc Richard Wagner rất chú trọng đến Phật giáo, xem đức Phật là nguồn hứng khởi lớn lao nhất và ông tìm được niềm an ủi cho mình trong thuyết luân hồi, vì thấy rằng ‘tới cuối mọi người được cứu chuộc’ hoàn toàn. Vở nhạc kịch ‘Parsifal’ của ông khởi thủy được viết để diễn tả việc đi tìm Minh Triết của ngài, và việc ngài thành đạo. Tuy nhiên do đòi hỏi của các vương hầu xứ Saxony và Prussia và những nhà quyền quí thế lực, ông soạn lại thành hình thức ta biết hiện nay là việc đi tìm Chén Thánh hay ‘Holy Grail’.
Xét về tác động của âm nhạc ở cõi cao, ta có mô tả việc gì xẩy ra cho đoạn mở đầu Prelude của nhạc kịch ‘Lohengrin’ của Wagner. Khi nhạc tăng âm lượng, người có thông nhãn thấy những đám mây đầy mầu sắc khác nhau được sinh ra, kích thước lớn dần, sắc càng đậm khi nhạc tăng cường độ và sự phong phú của âm thanh. Khi tới tột đỉnh, lúc tất cả nhạc khí của dàn hòa tấu chơi ở mức mạnh nhất của chúng, các đám mây này cuồn cuộn nổi lên, chói sáng đầy mầu sắc.
Điểm chú ý là ngay ở cực điểm khi tiếng chập chõa vang lớn bung ra, trọn đám mây bị tiếng xoảng này làm vỡ tan, và rơi vãi xuống cử tọa như đám mưa những mảnh lấp lánh, tựa như ân phước có mầu.